Là một trong những sinh viên Đại học Y tế Công cộng có mặt sớm nhất, Đinh Thu Trang, 20 tuổi cùng bạn bè ai cũng tò mò về công việc sắp được giao. "Có người nói chỉ đi sắp xếp bàn ghế, người nói đi phát tờ rơi, có người nói đi chống dịch Covid-19... Không ai giấu được sự hồi hộp và lo lắng", Trang nhớ lại.
Công việc chính của nhóm Trang là hỗ trợ giám sát y tế hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Nhóm sẽ xác định những người phơi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, gọi điện thoại liên lạc tới các hành khách đi trên chuyến bay có người nhiễm; thông báo, hướng dẫn tự cách ly ban đầu và liên hệ với cơ quan y tế địa phương để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm...
"Công việc khá mới mẻ và gấp gáp", Trang nói, nhưng cô sinh viên năm hai cũng tự tin mình có thể làm tốt.
Trang cho biết, để tham gia công tác tình nguyện, các sinh viên phải có đủ các tiêu chí như đang là sinh viên năm thứ hai trở lên, có kiến thức chuyên môn nhất định đủ để đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo.
Trường Đại học Y tế Công cộng đào tạo các chuyên ngành lĩnh vực liên quan kiểm soát y tế bảo vệ sức khỏe ở cộng đồng. Đào tạo về dịch tễ học, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khoanh vùng dịch tễ F1, F2... Đặc biệt, đối với bệnh truyền nhiễm, công tác dự phòng giúp khoanh vùng đối tượng, điều tra dịch tễ nên rất rộng và không phải ai cũng dễ dàng điều tra ra được.
Đinh Thu Trang, 20 tuổi, sinh viên năm 2 trường Đại Học Y tế công cộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
10h sáng, 23 sinh viên được lựa chọn đến Bộ Y tế để được hướng dẫn, đào tạo chi tiết công việc, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Sau khoảng 2 tiếng làm quen, nhóm sinh viên bắt nhịp với công việc, hoàn thành việc hỗ trợ thông tin cho 200 hành khách trong chuyến bay đầu tiên có người dương tính.
Hôm đó, Trang và các bạn trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo của Bộ Y tế đến trao đổi công việc, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch. "Khi bác Đam xuất hiện, tất cả sinh viên tình nguyện cảm xúc vỡ òa vì khoảng cách thu hẹp còn năng lượng thì như được tăng lên 200%", Trang cười nói.
Cuối ngày, mọi người ở lại nhận xét ưu khuyết điểm của nhau, lựa chọn 14 người tiếp tục tham gia công việc vào ngày hôm sau.
Tối hôm đó trở về phòng, cô gái sực nhớ chưa nhắn tin về gia đình. Dòng tin nhắn "xin phép đi chống dịch" Biên phiên dịch được gửi đi, Trang nhận lại lời động viên ngắn và câu dặn dò "cẩn thận" của mẹ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (áo xanh, ở giữa) chụp hình kỷ niệm cùng tổ công tác chống dịch, trường Y tế công cộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong những ngày chống dịch, Trang nhớ nhất là tối 18/3, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới Covid-19, là hành khách trên các chuyến bay mới về nước. Khi đó, cô và kíp trực tuy đã hết thời gian làm việc vẫn tiếp tục ở lại để hoàn thiện.
"Cứ mỗi khi có ca dương tính mới là quá trình làm việc với mỗi chuyến bay lại bắt đầu từ đầu", cô nói. Thông thường mỗi chuyến bay có khoảng 250-300 hành khách, nên nhiều khi làm việc quên cả thời gian.
"Trong công tác chống dịch, một cuộc gọi chỉ cần nhanh vài giây thôi cũng đủ giảm thiểu nguy cơ lây lan cho cộng đồng".
Tham gia chống dịch tại sân bay còn có sinh viên đến từ trường Đại học Y Hà Nội. Công việc chia thành hai ca, ca ngày và ca đêm, chia đều hai trường, đảm bảo công việc diễn ra đúng quy trình, cố gắng không bỏ sót chuyến bay nào.
Trang (áo đen) cùng các thành viên trong Tổ công tác chống dịch đang gọi điện cho hành khách trên chuyến bay, khoanh vùng dịch tễ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Kể từ khi dịch bùng phát, hầu hết sinh viên đều nghỉ học, trừ các trường y. Sinh viên năm cuối vẫn tiếp tục đi trực ở bệnh viện. Điều khác biệt nhất là công tác vệ sinh, khử khuẩn trở nên nghiêm túc hơn. Tất cả đều đeo khẩu trang khi đi lâm sàng thay vì chỉ đeo khi học ở các khoa có yếu tố truyền nhiễm như trước.
"Sinh viên y mà nghỉ học vì dịch nghe có vẻ hơi buồn cười. Mình tin ai đã chọn ngành y thì luôn xác định bản thân phải chủ động cống hiến, nhất là khi đất nước cần sự chung tay để đẩy lùi dịch bệnh", Trang cho biết.
Khép lại mỗi ngày chống dịch cùng cả nhóm, Trang tiếp tục tìm đọc và theo sát thông tin trên trang báo để theo sát diễn biến dịch. Điện thoại luôn được để chuông lớn nhất, sạc đầy pin để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào.
"Cuộc chiến này còn dài, ai cũng có những mỏi mệt riêng nhưng vì đất nước, vì sức khỏe toàn dân, xin đừng ai đứng ngoài cuộc", Trang chia sẻ.
Thùy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét